Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tổ chức Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024, mọi kế hoạch phải hoàn thành trước 10/8. Đó là nội dung chỉ đạo của đồng chí Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã tại cuộc họp thống nhất nội dung Tổ chức Lễ hội mùa Thu Sa Pa và các hoạt động hưởng ứng “Festival sông Hồng” năm 2024, diễn ra chiều 30/7.
Quang cảnh.
Dự cuộc họp có đại diện Hiệp hội du lịch tỉnh Lào Cai; Công an thị xã Sa Pa; một số phòng, ban chuyên môn của thị xã; địa diện các xã, phường, một số doanh nghiệp tổ chức các sự kiện liên quan.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã nhấn mạnh: Đây là lễ hội thường niên được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên qua đó xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo riêng có của Sa Pa. Giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc của Sa Pa. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch giữa Sa Pa và các tỉnh, các khu vực và địa phương khác trong cả nước và các quốc gia trên thế giới nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển du lịch, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Sa Pa – Lào Cai nói riêng.
Với tinh thần đó, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến, trung vào các nội dung như: Thống nhất về mặt số lượng các hoạt động tổ chức tại lễ hội; nêu một số khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức để có biện pháp khắc phục, tháo gỡ; chia sẻ và đề xuất một số cách làm mới trong công tác tổ chức các hoạt động… Cùng với đó là công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Kết luận Cuộc họp, đồng chí Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã, đánh giá cao vai trò tiên phong, tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc chia sẻ, đồng hành cùng thị xã. Đồng ý với các ý kiến đóng góp của các đại biểu, thống nhất tổ chức 6 hoạt động chính trong Lễ hội mùa Thu là: Khai mạc lễ hội, đón nhận Bằng di tích danh thắng cấp tỉnh đối với thác Bạc và Đỉnh Fansipan; Ngày hội Văn hóa bản Mông tổ chức tại Khu Du lịch Cát Cát; Rèn đúc nông cụ, chạm khắc bạc, se lanh, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ hoa văn sáp ong trên vải lanh, nghề đan thồ, bện hài, gian hàng ẩm thực xôi ngũ sắc; Trình diễn quá trình làm cốm, thưởng thức các món ăn từ cốm và tham gia các trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc thiểu số Sa Pa; Lễ hội Mùa Vàng Bản Mây do Công ty TNHH DVDL Cáp treo Fansipan Sa Pa tổ chức; Đêm hội Trăng rằm năm 2024 do Trung tâm Văn hóa TT-TT và UBND phường Sa Pa chủ trì.
Về hoạt động hưởng ứng Festival sông Hồng năm 2024 của tỉnh Lào Cai, thị xã Sa Pa sẽ tham gia 2 hoạt động là: Tham gia không gian văn hóa Lào Cai với chủ đề: “Dòng chảy tình hoa” và Dự thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Lào Cai, thời gian từ ngày 24/10 đến 27/10.
Để thực hiện tốt các nội dung trên, đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã giao cho Phòng Văn hoá – Thông tin, phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị và các xã, phường, đặc biệt là công tác hợp tác quảng bá du lịch với huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái… Việc tổ chức lễ hội phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm, chống lãng phí, vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi vừa quảng bá được vẻ đẹp con người, văn hóa và phong cảnh thiên nhiên của thị xã Sa Pa… Các hoạt động có sự tham gia chặt chẽ ngay từ đầu của các bên liên quan, đảm bảo lành mạnh, hấp dẫn, thu hút được sự tham gia của nhân dân và du khách. Mọi kế hoạch, kịch bản chi tiết phải hoàn thành trước 10/8/ 2024.
Lê Hưng (Trung tâm VH,TT-TT Sa Pa)